Đã bao giờ bạn lặng lẽ quan sát những hoạt động xảy ra hằng ngày ở đất Sài thành này chưa? Đã bao giờ bạn tự hỏi những người lao động nghèo làm việc miệt mài vì điều gì? Đã bao giờ bạn nhận ra những hy sinh thầm lặng của bố mẹ mình? Có lẽ bạn đã quá bận.
Sài Gòn luôn ồn ào, tấp nập ngày cũng như đêm. Người ta bảo Sài Gòn là thành phố năng động nhất Việt Nam. Thật vậy, mỗi khi hòa mình vào dòng xe đông đúc trên đường, tôi có cảm giác mọi người ai cũng hối hả cho cuộc sống bận rộn. Khuất sau những dòng xe tấp nập qua lại ấy là những người mưu sinh bên lề đường, những người mặc nắng mưa vẫn làm việc trên công trình, những người cố quên hàng gánh nặng trên vai bước đi thoăn thoắt. Họ là những công nhân xây dựng, những người thợ sửa xe ven đường, cũng có khi là những công nhân vệ sinh, người bán rong… Những người lao động cần cù từ sáng sớm đến khuya. Họ nghèo nhưng lao động chân chính bằng đôi bàn tay của mình.
Cái nghèo đã khiến họ rời quê hương – nơi họ sinh ra, nơi ông bà tổ tiên còn an nghỉ. Họ vào Sài Gòn mưu sinh – nơi có nhiều cơ hội với hy vọng đổi đời. Thế nhưng cuộc sống đắt đỏ ở đất Sài thành không cho họ lên ngôi. Họ tằn tiện, chắt chiu từng đồng tiền để đổi lấy cái ăn, nuôi con ăn học. Họ chấp nhận những khó khăn để đổi lấy con chữ cho con cái mình. Ước mơ con cái thành tài làm những người cha, người mẹ ấy không ngại cực khổ “một nắng hai sương” cần mẫn làm việc.
Một phút tĩnh lặng thoáng qua trong tôi giúp tôi nhận thấy những hy sinh không chỉ riêng cha mẹ tôi mà tất cả những người làm cha, làm mẹ khác đều bị “khuất” trong mắt con cái họ. Họ đâu ngờ rằng từng đồng tiền làm ra bằng mồ hôi và nước mắt ấy chỉ trong phút chốc chúng đã tan biến như bọt biển bởi những đứa con ngỗ nghịch. Ganh tị với bạn bè cộng với những thiếu thốn hiện tại khiến những đứa con ấy đua đòi, học làm “đại gia”. Chúng vun tiền qua cửa sổ với những quần áo đắt tiền hợp thời trang, vùi đầu “cày” game online mà không thấy hậu quả. Bên cạnh ấy cũng có nhiều tấm gương nghèo vượt khó học giỏi rất trân trọng. Có những người con biết gia đình khó khăn muốn vươn lên nhờ con chữ nhưng cái nghèo không cho họ thực hiện ước mơ đó. Có em phải bỏ học đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cần lắm những tấm lòng giúp các em đến trường.
Xã hội Việt Nam ngày càng phát triển kéo theo khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày càng lớn. Cuộc sống đắt đỏ, giá cả leo thang làm những người lao động nghèo càng thêm cực khổ. Đôi vai gầy gánh nặng từng miếng cơm, manh áo. Nhưng tấm lòng cha mẹ dành cho con cái là vô bờ. Tôi chỉ mong những người trẻ một khoảnh khắc lắng đọng để nhìn thấy những hy sinh thầm lặng của cha mẹ qua bao năm tháng nuôi dạy chúng ta. Khoảnh khắc ấy có thể giúp ta yêu cha mẹ hơn và tấm lòng rộng mở với những người khó khăn hơn ta. Nó còn giúp ta tiết kiệm hơn. Và một điều nữa tôi mong rằng ước mơ giản dị được cắp sách đến trường của những đứa con ở những xóm lao động nghèo sẽ không bao giờ bị tước đoạt bởi cái nghèo.
Trao doi lien ket