Trong khi vị khách nam đứng canh chừng phía sau, người khách nữ tra
thẻ ATM Techcombank vào máy, rút ra 2.000 USD – lượng tiền tối đa cho
phép rút một lần, rồi lấy thẻ ra và tiếp tục lặp lại hành động này 11
lần liên tiếp.
Người phụ nữ trên là một trong số những Việt
kiều đang vét sạch các trạm ATM ở Campuchia, tận dụng sự chênh lệch lớn
giữa tỷ giá USD chính thức và tỷ giá chợ đen ở Việt Nam để kiếm lời
hàng nghìn USD.
Phó giám đốc điều hành Ngân hàng ACLEDA, một
trong những ngân hàng lớn nhất Campuchia, bà So Phonnary cho biết các
khách hàng Việt Nam đã rút gần 5 triệu USD từ các trạm thẻ của ngân
hàng này tính từ đầu tháng cho đến ngày 26/1 vừa qua.
Còn CEO
Steve Higgins của Ngân hàng ANZ nói rằng những chủ thẻ Techcombank đã
rút tổng cộng gần 12 triệu USD tính từ giữa tháng 12, nhiều nhất là
trong hai tuần vừa qua. Việc này cũng đã lan đến cả Singapore và Trung
Quốc. "Họ làm như vậy là rất khôn ngoan. Đó là một trong số những cách
dễ dàng nhất để kiếm tiền, mọi người truyền tai nhau và thế là có hàng
tá người đổ xô qua biên giới", ông này phát biểu với tờ Phnom Penh Post.
Chính
phủ Việt Nam đã cố định tỷ giá ở mức 19.500 VND/USD, tuy nhiên, theo
những người đổi tiền ở Campuchia thì tỷ giá chợ đen là 21.000 VND mỗi
đôla Mỹ, cao hơn khoảng 8%. Vì vậy nhiều người đã đến Campuchia để tận
dụng sự chênh lệch này.
Dù phải chịu phí giao dịch ATM, nhưng
theo ông Higgins, những người dùng Techcombank vẫn kiếm lời khoảng
20.000 USD cho mỗi một triệu USD rút ra.
Ông cũng nói thêm
rằng Techcombank là ngân hàng chịu rủi ro đặc biệt nghiêm trọng. Vì
trong khi phần lớn các ngân hàng ở Việt Nam đều có mức phí giao dịch
quốc tế để bù vào sự chênh lệch về tỷ giá chính thức và chợ đen, thì
mức phí này tại Techcombank lại khá thấp. Hệ quả là, có thể họ đã lỗ
tới 1,5 triệu USD từ các giao dịch tại Campuchia trong vài tuần gần đây.
Charles
Vann, Phó tổng giám đốc Canadian Bank cũng nhận thấy "hiện tượng lạ"
nói trên, nhưng ông cho rằng "cũng không có vấn đề gì cả, miễn là không
phải lừa đảo".
Bà So Phonnary thì nhận xét mặc dù các ngân
hàng ở Campuchia không chịu thiệt hại gì từ việc này, nhưng các chủ thẻ
Việt Nam lại đang làm các khách hàng khác khó chịu vì máy ATM thường
xuyên bị hết tiền. Để giải quyết vấn đề này, ACLEDA đã quyết định can
thiệp vào các giao dịch quốc tế thông qua công ty thẻ tín dụng quốc tế
Visa.
Bà So Phonnary nói: "Chúng tôi đã gửi thông tin cho Visa
để nhờ trợ giúp. Họ trả lời chúng tôi rằng họ không thấy có dấu hiệu
lừa đảo, những người rút tiền là chủ thẻ thật, và thẻ của họ cũng là
thật".
Dù vậy, ACLEDA cũng quyết định giới hạn số tiền được
rút mỗi ngày là từ 2.000 USD xuống còn 500 USD. Ngoài ra, họ còn cử các
bảo vệ đến các trạm thẻ ATM để trông chừng những người dùng nhiều thẻ
khác nhau để rút tiền.
"Chúng tôi đã làm những việc cần thiết
để ngăn chặn các chủ thẻ Techcombank sử dụng ATM của chúng tôi. Và nếu
có bất kỳ người nào sử dụng nhiều thẻ với nhiều tên khác nhau, chúng
tôi sẽ nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát", đại diện ngân hàng này nói
và cho biết thêm đã có hai người đàn ông bị bắt tại một trạm ATM của
ANZ tại quận Dangkor vì giữ nhiều thẻ của nhiều người khác nhau. "Tôi
nghĩ dù ở bất cứ thời điểm nào, thì việc một người có tận 12 chiếc thẻ
ATM trong người cũng là một việc bất hợp pháp", bà Phó giám đốc điều
hành Ngân hàng ACLEDA nhận định.
Hiện các quan chức tại Đại sứ
quán Việt Nam và Ngân hàng trung ương Campuchia chưa có bình luận gì.
Khuoy Kry - giám đốc Trạm kiểm soát biên giới Bavet ở tỉnh Svay Rieng
nói rằng khách du lịch được phép mang tối đa 10.000 USD sang biên giới
và việc sử dụng ATM là “nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”.
Còn
ông Higgins từ Ngân hàng ANZ nói những người đang tận dụng cơ hội tại
Campuchia sẽ phải sớm chấm dứt hành động này vì Techcombank đang làm
việc với Visa để đưa ra mức phí mới cho các giao dịch quốc tế trong
tháng tới.
Hà Thu (theo Phnom Penh Post)
Trao doi lien ket