Trịnh Công Sơn đã nói tiếng yêu em bằng ngôn ngữ thật đẹp, là bản
chúc thư ca ngợi tình yêu, là thân phận, là những dằn vặt triền miên về
kiếp người. Người ta nói nghệ thuật là đời sống riêng biệt, hiếm hoi.
Trong trường hợp này, dường như tình yêu đã làm nên những cảm xúc để từ
đó ra đời những tình khúc huyền thoại để lại cho cuộc đời. Xin cảm ơn
bà Dao Ánh và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cho phép Giai phẩm
xuân Tân Mão Sài Gòn Tiếp Thị lần đầu tiên công bố những di bút rất
riêng tư này.
Sau gần nửa thế kỷ, hơn ba trăm bức thư tình mới
được chủ nhân của nó tiết lộ, hé mở phần sâu thẳm trong trái tim một
nhạc sĩ tài hoa, gắn với một thời đoạn khai sinh những ca khúc bất hủ
về tình yêu và thân phận...
25 tuổi, tốt nghiệp trường Sư phạm
Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn đã chọn B’lao, một thị trấn chênh vênh giữa
những tầng mây để sống như một kẻ ẩn dật, ôm theo mối tình si với người
con gái xứ Huế mang tên Dao Ánh.
Bức thư đầu tiên anh gửi ngày 17.9.1964, với những lời mở đầu như một tiếng reo vui “Dao Ánh, Dao Ánh, Dao Ánh…”
Nét
chữ của anh hồi ấy nắn nót như những nốt nhạc: “Anh cảm ơn Ánh nghìn
lần đã yêu thích thiên-đàng-sương-mù của anh. Anh sẽ cố gắng yêu thích
lấy nó đến bao giờ không thể.
Ở đây có cái tự do của con người mỗi ngày chỉ thấy mình và trời đất…”.
B’lao
bỗng hiển hiện thật rõ nét với hình ảnh một người đàn ông mơ mộng trầm
tư ngày ngày chỉ có một niềm vui duy nhất là ra bưu cục đón nhận những
bức thư.
Anh viết về những ngày dài hoang vu, những buổi sáng
thức dậy trong im lặng, những buổi tối trăng non… Anh gọi tên Dao Ánh
không biết bao nhiêu lần trong thinh không… Anh dệt lên trong tâm tưởng
một hình ảnh thật trinh nguyên, một Dao Ánh với “mái tóc thật dài, với
tâm hồn lá non và tiếng cười hồn nhiên như một buổi sáng mùa xuân…”.
Bắt
gặp đâu đó trong những cuộc hẹn hò bất thành của anh là những giận hờn,
trách cứ như biết bao người đàn ông khác trong tình yêu. Nhưng trách cứ
của anh sao mà dịu dàng, sao mà ngọt ngào, yêu thương.
Những
kỷ niệm đẹp nhất giữa hai người đã trở thành cái cớ cho những suy tư về
thân phận, về chiến tranh, về tình yêu của Trịnh Công Sơn tuôn trào.
Hay
có lẽ cái khoảng cách vời vợi giữa một tình yêu quá mộng mị đã giúp anh
soi rọi một cách trầm tĩnh nhất vào cái hố thẳm của riêng mình, để gọi
tên những cảm xúc cho
Phúc âm buồn, Tuổi đá buồn, Lời buồn thánh, Như cánh vạc bay, Chiều một mình qua phố…
Dao Ánh còn giữ lại nguyên vẹn bản viết tay đầu tiên của
Mưa hồng, Tuổi đá buồnvới lời đề tặng “bản của Ánh đó”. Suốt cả mùa hè năm 1965, nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn lơ lửng giữa sự sống và cái chết, với những cơn hôn mê
trước giấc ngủ của một kẻ tuyệt vọng cùng cực.
ca khúc phản chiến, kêu gọi hoà bình rúng động lòng người đã ra đời chính trong thời điểm này, như
Ca dao mẹ, Lại gần với nhau, Người con gái Việt Nam da vàng...
Những ca khúc tranh đấu quyết liệt để giành lại quyền sống, để được làm người.
|
|
Thủ bút Trịnh Công Sơn. |
Trịnh
Công Sơn dạy tại B’lao chỉ ba năm, từ 1964 đến 1967, ba năm đều đặn với
hơn ba trăm bức thư tình. Quả thật anh là người viết thư tình lãng mạn
nhất của thời đại.
Bức thư đầu tiên anh nói lời cảm ơn, và bức
thư chia tay cuối cùng, anh cũng nói lời cảm ơn. Mỗi lá thư của anh như
một đoản văn đầy chất thi ca, chứa đựng tâm trạng lo âu, dằn vặt triền
miên về kiếp người, lòng tin vào những điều tốt đẹp đang dần mất đi
trong cõi nhân gian.
Đây thực sự là mảng văn chương ấn tượng trong cuộc đời nghệ thuật của Trịnh Công Sơn, bên cạnh gia tài đồ sộ về âm nhạc của anh.
Năm
1993, Dao Ánh đã trở lại Việt Nam, và gặp lại Trịnh Công Sơn. Xin trả
nợ người đã được anh viết liền một mạch vào đêm mùng ba tết năm ấy.
Dưới
bản nhạc anh viết tặng Dao Ánh là một tiếng thở dài đau nhói: “Nỗi buồn
xin lỗi bàn tay/Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình…”
Dao Ánh đã ly dị chồng ngay sau cuộc hội ngộ buồn bã này.
Những
lời cuối cùng anh viết cho Dao Ánh là những ngày anh nằm trên giường
bệnh. Anh không thể cầm bút được, nên phải đọc cho người bạn Sâm Thương
viết giùm mình, và gửi qua email.
Vẫn là những lời an ủi thật
dịu dàng: “Ánh cố gắng tìm được những niềm vui nhỏ nhắn trong cuộc sống
bình thường là quý giá lắm rồi. Chúc Ánh một cái tết thú vị dù chỉ một
mình hay với người khác…”.
Hơn bốn mươi năm đã qua, bao tao
loạn, thăng trầm, chiến tranh liên miên, rồi lấy chồng, sang Mỹ... vậy
mà Dao Ánh vẫn cất giữ nguyên vẹn những bức thư tình, những chiếc phong
bì, kể cả từng chiếc lá dã quỳ anh ép trong thư, cả những giọt nến anh
đốt lên để viết tên chị...
Nhưng có một điều ít ai biết, là
lúc đó Ngô Vũ Dao Ánh, em gái của Ngô Vũ Bích Diễm (nhân vật của Diễm
xưa), chỉ mới… mười lăm tuổi.
Không ít người thắc mắc tại sao
đến giờ này, Dao Ánh mới chịu công bố những bức thư tình. Chính chị đã
phải trải qua những ngày dài đắn đo, nên mười năm sau ngày mất của nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta mới được chiêm ngưỡng nó.
Trong
thư gửi Trịnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn, Dao Ánh viết: “Hãy
nghĩ về anh Sơn không phải chỉ để dành riêng cho một con người, một gia
đình, một thành phần cụ thể nào cả… Dù cho mình có yêu thương anh Sơn
thế nào đi nữa thì anh đã là một vĩ nhân rồi, và theo hướng nhìn đó anh
đã là của tất cả mọi người."
" Dao Ánh đã tập nghĩ cho mình
như thế, để có thể giao phó tập thơ này cho gia đình xuất bản, như một
món quà để lại cho thế hệ đời sau và văn chương Việt Nam…”
Nhà
thơ Nguyễn Duy, người được gia đình Trịnh Công Sơn tin cậy giao phó
việc biên tập và xuất bản tác phẩm Thư tình gửi một người, thổ lộ: “Đọc
hết ba trăm hai mươi bức thư tình, tôi gần như choáng váng. Cảm ơn
những người tình như Dao Ánh đã biết gìn giữ tình yêu của anh Sơn trong
bốn mươi sáu năm qua, tức là gần nửa thế kỷ."
"Dao Ánh vừa là
một tình yêu rất cụ thể, đồng thời là một tình yêu biểu tượng. Một tình
yêu cụ thể đã chấm dứt, nhưng biểu tượng tình yêu thì bất tử với thời
gian…”.
<table id="tblImageBox" align="left" border="0" cellpadding="1" cellspacing="1"> <tr> <td></td> </tr> </table> | <table id="tblImageBox" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0"> <tr> <td></td> </tr> </table> |
Thủ bút Trịnh Công Sơn. |
|
Bà Dao Ánh chụp chung cùng gia đình nhạc sĩ trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở Vũng Tàu năm 2008. Ảnh: Nguyệt Vy |
Kim Yến
B’lao, Ngày 25/Mars/1967
|
Bà Ngô Vũ Dao Ánh lần trở lại mười năm sau. Ảnh: Nguyệt Vy |
Bây
giờ đã quá khuya, chương trình chuyên đề về tình yêu còn để lại một vị
đắng rất mỏng. Mọi người cũng đã ngủ từ lâu và anh cũng phải quyết định
một lần cho Ánh lẫn cho anh.
Một quyết định thật khó khăn và
chẳng ai trong cuộc dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào cũng
có sự khổ sở của nó. Anh cam đành là kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự
ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố gắng đóng cho trọn
vai trò của mình.
Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng mình anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua.
“Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây”
Hãy
xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả và sau quyết định này là một lối ngỏ thênh
thang trên đó Ánh hãy đi vào những phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn
khoăn gì cả. Tất cả đã rõ như một khoảng trắng. Cũng đành vậy thôi.
Anh
đã nhìn tình yêu ở một độ cao nhất của thuỷ triều. Quyết định như không
thuộc về anh. Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó.
Cũng
xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được.
Để vĩnh biệt nhau trong tình yêu đó anh chỉ muốn khuyên Ánh, trong
tương lai hãy tự tin hơn và bớt suy tính.
Anh đã bất lực không cứu vãn gì được cho tình yêu của mình. Thêm một lần đánh mất và thất lạc những vàng son.
Đã viết quá dài ngoài ý muốn nhưng nói một lần mà cho tất cả về sau.
Cầu mong thật nhiều bình an cho Ánh và đời đời hạnh phúc trong những dự tính mới ở tương lai.
Thân yêu
Trịnh Công Sơn
Trao doi lien ket