Cuối tháng một, trời rét căm căm, nhưng từ sáng sớm dòng người ùn ùn
đổ về làng Cô Mễ, xã Vũ Ninh (thành phố Bắc Ninh) nơi có đền Bà Chúa
Kho để trả lễ cuối năm. Những hàng viết sớ, bán tiền vàng, sắp mâm lễ,
đổi tiền lẻ nằm la liệt, án ngữ con đường chính dẫn lên đền khiến lối
đi của khách bị thu hẹp.
Chen trong đám khách với những mâm
tiền vàng mã đầy ắp, chị Mai, một người từ Hà Nội đến cho biết: "Đền Bà
Chúa Kho nổi tiếng linh thiêng. Mình không phải dân làm ăn, đầu năm đã
xin lộc rơi, lộc vãi của bà, cuối năm thu xếp đến lễ tạ. Còn dân kinh
doanh do đầu năm đi vay lớn thì cuối năm phải trả nhiều".
Chính
với tâm lý có vay, có trả, có xin có lễ tạ, nên vào đầu và cuối năm, du
khách từ khắp các tỉnh thành phía bắc nườm nượp đổ đến đền bà. Nhiều
người dân địa phương đã nhân cơ hội này để bán vàng mã với giá trên
trời, đeo bám, quấy nhiễu khiến khách rất khó chịu.
Chị Nguyễn
Thị Hoa ở Gia Bình (Bắc Ninh) bức xúc kể lại: “Khi vừa bê mâm tiền vàng
mã ra khu vực lò hoá vàng thì có hai thanh niên lao tới rồi cầm tiền
vàng ở mâm của mình rồi vứt vào lò hoá. Tưởng họ đốt giùm, lát sau họ
xin tiền công, trong khi mình có nhờ đâu".
Những người khấn thuê thường mang theo một cái đĩa nhỏ và hai đồng tiền xu để khi khấn xong rồi xin lộc. Ảnh: Bá Đô. Ở
trước cửa đền chính có một tấm biển rất lớn với nội dung “không được
khấn thuê, thuê khấn trong đền”, tuy nhiên phía trong dịch vụ này khá
nhộn nhịp. Có hơn chục người khấn thuê, đa phần là phụ nữ tuổi trung
niên, trên tay cầm chiếc đĩa con và 2 đồng tiền cổ, hễ thấy người bê
mâm tiền vàng mã vào trong ban thờ là kéo đến để mời chào, xin cúng
thuê.
Với 10.000-20.000 đồng một lần khấn, gia chủ chỉ cần đọc
tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp là ngay lập tức những bài khấn đã được
lập trình sẵn trong đầu những người khấn thuê vang lên trước ban thờ bà.
Ông
Nguyễn Văn Đội, Ban an ninh đền Bà Chúa Kho cho biết, năm nay Ban quản
lý đã cấm dịch vụ khấn thuê, liên tục tuyên truyền trên loa đài, tuy
nhiên vào những ngày đông, khách không chen được nên đã thuê khấn.
Bá Đô
Trao doi lien ket