Tình hình Ai Cập bùng nổ và những hệ lụy
Biểu tình tại Ai Cập chưa đến mức vượt ra ngoài kiểm soát nhưng đang gây ra thách thức thực sự đối với chế độ Tổng thống Mubarak. Nếu kịch bản Tunisia tái diễn tại đây sẽ gây ra những tác động lớn cho cả khu vực.> Liệu có đổ vỡ dây chuyền ở Trung Đông?Chính trị Ai Cập nóng nhất trong 30 năm
Các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức đang tiếp diễn khắp Ai Cập và đây là làn sóng nổi dậy dữ dội nhất ở nước này kể từ năm 1977. Có khoảng 1.000 người biểu tình bị bắt vì cảnh sát tuyên bố hoạt động của họ là bất hợp pháp. Người tuần hành không chịu nhượng bộ nhưng với sự gắt gao của lực lượng an ninh, họ gặp khó khăn trong việc tập hợp lực lượng.
Biểu tình kèm theo đụng độ vẫn xảy ra tại một số thành phố, đặc biệt là ở Suez. Tuy nhiên nhìn chung cuộc sống thường nhật tại phần lớn Ai Cập vẫn diễn ra bình thường. Đa phần người dân bận rộn với cuộc mưu sinh không tham gia biểu tình. Có sự bất mãn ngày càng lan rộng với chính phủ, nhưng mới chỉ có vài nghìn người hiện thực hoá sự tức giận đó bằng cách xuống đường.
Một đặc điểm nữa của biểu tình tại Ai Cập là dù xuất hiện ở nhiều nơi, đây vẫn là hoạt động không có lãnh đạo trung tâm. Chủ yếu người tuần hành được tập trung thông qua các lời kêu gọi trên những trang xã hội như Facebook và Twitter, chứ không phải sau những cuộc tập hợp của các nhà chính trị.
Trong khi đó, phong trào Hồi giáo có ảnh hưởng nhất Ai Cập và đang bị cấm hoạt động là Muslim Brotherhood chưa có động thái nhập cuộc để ủng hộ người biểu tình. Đây có thể được coi là lợi thế đối với chính phủ, vì họ là phong trào chính trị có khả năng tập hợp lực lượng đủ lớn để làm cách mạng theo kiểu Tunisia.
Chính phủ Ai Cập ban đầu đối phó với biểu tình theo kiểu truyền thống khi chỉ coi đây là mối đe doạ về an ninh. Nhưng tới cuối tuần này, hàng loạt cuộc họp khẩn diễn ra. Tiếp theo đó là những cách đối phó ở tầm vĩ mô về kinh tế và chính trị, như tăng lương, tạo thêm công ăn việc làm và những biện pháp khác xoa dịu những bất mãn về kinh tế trong người dân. Đặc biệt, sáng nay Tổng thống Hosni Mubarak tuyên bố giải tán chính phủ đồng thời hứa hẹn cải cách chính trị.
Ảnh hưởng của tình hình Ai Cập
Nếu cuộc biểu tình rầm rộ của người Ai Cập biến thành một cuộc cách mạng, thì tác động của sự kiện này đối với thế giới Ảrập cũng như chính sách của phương Tây tại Trung Đông sẽ thực sự lớn. Đây là quốc gia đông dân nhất thế giới Ảrập nên đóng vai trò chủ chốt trong các chính sách chung của những nước này.
So với đất nước Tunisia nhỏ bé về diện tích, Ai Cập có vị thế hoàn toàn khác. Không chỉ thế giới Ảrập, mà cả phương Tây, Israel và Iran cũng có mối quan tâm đặc biệt đến tình hình nước này. Trên hết, Ai Cập có chế độ nổi tiếng về khả năng kiểm soát chính trị, nên việc sụp đổ là điều chưa từng được tính đến.
Theo giới phân tích, nền tảng vững khiến Ai Cập dù đang lâm vào bất ổn với làn sóng biểu tình bạo loạn khắp cả nước, những cấu trúc kinh tế và chính trị cơ bản của nước này sẽ vấn tồn tại, ngay cả khi có hay không Tổng thống Hosni Mubarak, người đã cầm quyền suốt 3 thập kỷ qua.
Nếu chế độ Mubarak sụp đổ, sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến tất cả những quốc gia và vấn đề chính trong khu vực. Đối với các nước Ả rập có truyền thống lãnh đạo cầm quyền dài, thì sự ra đi của ông Mubarak sẽ "dữ dội" hơn nhiều so với sự sụp đổ của chế độ Ben Ali tại Tunisia. Còn đối với những người biểu tình thì đây sẽ là cú hích lớn, khuyến khích thêm quan điểm rằng khu vực đang bước vào kỷ nguyên "quyền lực nhân dân" và hiệu ứng domino tại Trung Đông có thể xảy ra.
Tiến trình hoà bình Trung Đông cũng sẽ chịu tác động dữ dội vì kịch bản sụp đổ, do Ai Cập là nước Ảrập đầu tiên ký hiệp ước hoà bình với Israel. Phương Tây cũng sẽ lâm vào tình huống khó xử và lo ngại tình trạng mất ổn định tại Trung Đông cũng như sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan. Trong khi đó nền kinh tế cũng chịu ảnh hưởng trên quy mô khu vực và thậm chí toàn cầu nếu giá dầu tăng cao.
Nhân tố quyết định
Tuy nhiên, đến nay số phận của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak vẫn chỉ là giả thiết, vì ông vẫn tại vị bất chấp làn sóng biểu tình lan rộng. Trong bối cảnh đó, vũ khí chủ chốt của ông trong việc đối phó với nổi dậy chính là quân đội và lực lượng an ninh. Đây là những nhân tố quyết định việc chế độ Mubarak có tiếp tục tồn tại hay không tại Ai Cập.
Hai nhân tố quyết định này cũng không hoàn toàn giống nhau. Quân đội Ai Cập nhìn chung được người dân nước này tôn trọng và đặc biệt được nhớ đến với hai cuộc chiến với Israel năm 1967 và 1973. Hiện quân đội nước này có khoảng 340.000 người, do tướng thân Mỹ Mohammad Tantawi chỉ huy.
Còn lực lượng cảnh sát chống bạo động Amn al-Markazi thuộc Bộ Nội vụ thì có nhiều "duyên nợ" với người biểu tình vì họ trực tiếp đối mặt trong các sự kiện trước đây. Theo BBC, lực lượng này có khoảng 330.000 người và chủ yếu được trả lương thấp. Chính họ đã từng nổi dậy vì lương thấp những năm đầu khi Tổng thống Mubarak mới lên cầm quyền và bị đặt dưới sự kiểm soát của quân đội.
Ông Mubarak lệnh cho quân đội triển khai trên đường phố Cairo đêm qua với mục đích hỗ trợ cho cảnh sát chống bạo động đang bị người biểu tình áp đảo về số lượng. Nhưng nhiều người biểu tình lại hy vọng quân đội sẽ đứng về phía họ hoặc hành động kiềm chế hơn so với cảnh sát vốn rất mạnh tay. Do đó những đoàn xe quân sự đã nhận được sự chào đón của người dân.
Cho đến nay, Tổng thống Mubarak vẫn nhận được sự ủng hộ của các lực lượng vũ trang gồm cả quân đội và cảnh sát, đồng nghĩa với việc ông vẫn nắm quyền lãnh đạo đất nước. Nhưng diễn biến hiện nay là thách thức lớn nhất đối với ông trong suốt 30 năm cầm quyền. Dù vẫn nắm trong tay nhân tố quyết định, nhưng nếu biểu tình tiếp tục leo thang thì có khả năng những tiếng nói có ảnh hưởng trong quân đội sẽ yêu cầu ông từ chức, và lúc đó tình hình sẽ thay đổi hoàn toàn.
Trao doi lien ket