Một người dân sống cạnh Biển hồ (TP Pleiku, Gia Lai) vừa phát hiện khu nghĩa địa “ngầm” với
hàng trăm ngôi mộ vẫn còn hài cốt bên dưới, dưới lòng Biển hồ. Những ngôi mộ này được tìm thấy cách đây vài ngày, ngay tại doi đất phía đông dưới lòng Biển hồ, thuộc thôn 4, xã Biển hồ.
Doi đất được cho là nghĩa trang trước đây, vừa được phát hiện dưới lòng Biển hồ Người phát hiện ra nghĩa trang “ngầm” này là ông Quách Trọng Hoan (72 tuổi), sống bên cạnh bờ Biển hồ. Ông Hoan cho biết, doi đất này trước đây vốn là một nghĩa trang, từ những năm 1980, khi con đập thủy lợi được xây dựng để tích nước tưới tiêu cho những nông trường cà phê thuộc huyện Chư Păh thì nghĩa trang bị ngập hoàn toàn.
Từ đó đến nay, hàng trăm ngôi mộ luôn bị ngâm trong nước. Do năm nay lượng mưa ở Gia Lai rất ít, cộng thêm việc những dòng nước từ hồ Tân Sơn hàng năm chảy xuống Biển hồ đã bị con đập Tân Sơn mới hoàn thành ngăn lại, nên nước Biển hồ đang cạn nhanh; nhiều doi đất thuộc lòng hồ mới nhô lên khỏi mặt nước, trong đó có nghĩa địa “ngầm” nói trên.
Khi chúng tôi đến mục sở thị nghĩa trang này, thấy một mùi uế khí tanh, hôi bốc lên nồng nặc. Hàng trăm ngôi mộ đất vô danh, không có bia, cách vài mét lại có một ngôi mộ đang lộ dần lên khi nước đang rút dần. Ngôi mộ nào “may mắn” lắm thì vẫn còn một ít gạch bao quanh.
Theo ông Hoan, sau khi phát hiện nghĩa trang này, ông về nhà lấy cọc tre đánh dấu, đếm được có đến 140 ngôi mộ. Nhưng vẫn có thể có nhiều hơn vì nước rút đến đâu mộ lại lộ ra đến đấy.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Đức Long (72 tuổi, còn gọi là ông Mười Cà) sống ngay cạnh đập thủy lợi của Biển hồ, cũng khẳng định doi đất ông Hoan phát hiện đích thực là một nghĩa trang lớn.
Theo ông Mười, khi ông đến sống và lấy vợ ngay tại thôn 1, xã Nghĩa Hưng từ năm 1975, khu nghĩa trang trên vẫn còn tồn tại. Chính mẹ và người con xấu số của ông cũng được chôn chung tại nghĩa trang này. Trước nghĩa trang có một ngôi mộ lớn với tấm bia rất cao lớn đề tên Nguyễn Văn A. Vì vậy, người dân ở đây thường gọi nghĩa trang với cái tên “nghĩa trang bia ông A”.
Từ những năm 1979, Công ty Thủy lợi quyết định xây con đập ngăn dòng chảy của con suối nhỏ nằm bên cạnh nghĩa trang - chảy từ Biển hồ xuống xã Nghĩa Hưng. Công ty đã thông báo khắp toàn quốc trong gần một năm cho người nhà đến bốc hài cốt, nhưng vì nhiều lý do mà rất nhiều thân nhân đã không đến di chuyển hài cốt.
Ông Hoan đóng cọc tre đánh dấu những ngôi mộ vừa phát hiện Riêng chỉ có một số ngôi một được các Thanh niên xung phong xã Biển hồ (trong đó có ông Mười tham gia) đến bốc hài cốt, mang lên chôn cất tại làng Tiêng, xã Tân Sơn. Còn lại hàng trăm ngôi mộ khác không được bốc, phải chịu “ngâm mình” dưới nước.
Ông Hà Xuân Nhắc (68 tuổi), Ủy viên Ban chấp hành Hội cựu chiến binh, và ông Nguyễn Danh Mầu, Phó Bí thư thôn 4, xã Biển Hồ, cùng đồng tình cho rằng doi đất trên đích thực là nghĩa địa lớn, có nhiều mồ mả vẫn chưa được bốc hài cốt.
Sau khi phát hiện nghĩa địa trên, ông Quách Trọng Hoan có nguyện vọng được đứng ra bốc những hài cốt không may mắn trên, quy tụ lại một nơi cao ráo và nhang khói cho họ. Nhưng bản thân ông không có kinh phí, nên đành bất lực.
Mong rằng chính quyền địa phương quan tâm tới số phận của nghĩa trang và những người đã khuất bao nhiêu năm phải nằm lạnh lẽo dưới nước lạnh. Việc cất bốc hài cốt không chỉ làm ấm lòng người dưới mồ mà còn giúp môi trường sinh thái của Biển hồ - nơi cung cấp nước sạch toàn cho người dân TP Pleiku và các vùng lân cận - được bảo đảm.
Trao doi lien ket